Cây cóc hồng ở Thừa Thiên - Huế được cho là độc nhất vô nhị ở Việt Nam, thậm chí ở cả khu vực Đông Dương, người chơi cây cảnh có bỏ ra tiền tỷ cũng không mua được.
Đó là cây cóc hồng nằm trong khuôn viên một khu du lịch ở thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế. Đây là loài cây ngập mặn, tên khoa học là Lumnitzera rosea, từng thuộc sở hữu của một vị quan ngày xưa. Cây này có hình thế bonsai đẹp mắt, sống bên mép nước có rất nhiều tảng đá lớn. Cây nở hoa vào khoảng giữa mùa hè, hoa có màu hồng rất đẹp.
Trên thế giới chỉ có một số ít quốc gia được ghi nhận có loài cây quý hiếm này.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế, đây là cây cóc hồng độc nhất vô nhị ở Việt Nam, thậm chí cả khu vực bán đảo Đông Dương. Cây này là sản phẩm của sự lai tạo giữa loài cóc đỏ (Lumnitzera littorea) và cóc trắng (Lumnitzera racemosa). Cạnh cây cóc hồng này có một cây cóc đỏ và một cây cóc trắng, trong đó loài cóc đỏ nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Cây cóc hồng độc nhất vô nhị ở Việt Nam tại thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế).
Ngoài cây cóc hồng ở Việt Nam này, trên thế giới chỉ một số ít quốc gia được ghi nhận có loài cây quý hiếm này như Philippines, Indonesia, Australia. Loài cây này chỉ hiện diện ở khu vực có hai loài cóc đỏ và cóc trắng, nhưng không phải ở đâu có hai loài trên đều xuất hiện cóc hồng, vì vậy nó rất quý hiếm.
Một nhân viên bảo vệ khu du lịch cho biết, nhiều năm trở lại đây, từ khi cây cóc hồng trên được phát hiện, năm nào cũng có nhiều nhà khoa học đến tìm hiểu, nghiên cứu. Nhiều người chiết cành, giâm nhánh để nhân giống loài cây quý hiếm nhưng chưa có một ai thành công vì tất cả cây con đều bị chết.
Cây này nở hoa vào khoảng giữa mùa hè, hoa có màu hồng rất đẹp.
Cây sống bên mép nước của vùng đầm phá Tam Giang, rễ cây được bao bọc bởi những tảng đá lớn.
Nhân viên bảo vệ này cho biết thêm, từng có nhiều người chơi cây cảnh khắp trong Nam ngoài Bắc đến hỏi mua cây cóc hồng này. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hơn 1 tỷ đồng nhưng vẫn không thể mua được cây “độc” vì đây là tài sản của tỉnh chứ không phải của khu du lịch.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Ngọc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Khu vực đất rừng có cây cóc hồng trên tọa lạc là đất tỉnh cho thuê và tỉnh chỉ cho thuê đất, còn cây là tài sản của tỉnh. Vì vậy, những người chơi cây cảnh có bỏ ra tiền tỷ cũng không mua được cây vì đơn vị thuê đất không có quyền bán.
Cạnh cây cóc hồng có một cây cóc đỏ và một cây cóc trắng, trong đó cóc đỏ nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Ngôi nhà nghỉ dưỡng của vị quan xưa từng sở hữu cây cóc hồng nằm cạnh hồ nước có cây quý hiếm này.
Theo ông Dũng, vì là cây độc nhất vô nhị ở Việt Nam, thậm chí ở cả khu vực Đông Dương, nên cây này rất có giá trị. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, thông tin cây cóc hồng được trả giá tiền tỷ chỉ là tin đồn bởi không ai dại gì bỏ số tiền lớn như trên để mua cây vì người mua sẽ bị rất nhiều rủi ro do đây là cây ngập mặn, không phải trồng chỗ nào cũng sống.
Bài bình luận gần đây