Chị em hoàn toàn có thể tự trồng một chậu rau muống nhỏ tại nhà bằng nhiều cách.
Rau muống là món ăn phổ biến của nhiều gia đình trong những ngày nắng nóng. Vào những ngày hè oi bức, nhiều người chỉ cần một bát cơm, một đĩa rau muống luộc, bát nước luộc rau dầm sấu và vài quả cà là đã xong bữa. Rau muống thích hợp cho ngày hè vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, chữa rôm sảy, mụn nhọt…
Thân quen mà lại dễ trồng nên vì thế rất nhiều gia đình khi tự trồng rau sạch tại nhà đều không quên dành vài thùng xốp trồng rau muống. Các bạn hoàn toàn có thể tự trồng rau muống bằng hạt hoặc giâm cành.
Trồng rau muống từ hạt
Bước 1: Chuẩn bị hạt giống
Vỏ hạt rau muống tương đối mềm và mỏng nên có thể gieo trồng thẳng vào trong đất mà không cần ngâm nước trước. Tuy nhiên, nếu vậy tỷ lệ nảy mầm lâu hơn và khả năng thành công chỉ đạt khoảng 50-60%.
Nếu ngâm, bạn chuẩn bị phần nước theo tỷ lệ 2 phần nước ấm : 3 phần nước nguội. Sau khi ngâm hạt trong vòng 3-6 tiếng thì vớt ra ủ ấm trong khăn giấy ẩm từ 6-10 giờ cho đến khi thấy hạt nứt nanh.
Bước 2: Chuẩn bị thùng xốp
Rau muống là loại cây ăn lá nhỏ nên không yêu cầu cao về đường kính và độ sâu lòng của chậu trồng. Bạn có thể chọn bất kì loại chậu nào có lỗ thoát nước phía dưới. Với thùng xốp, đục lỗ dưới đáy thùng xốp rồi dùng một tấm lưới lót ở dưới đáy để tránh cho đất trôi ra
Sau khi đục lỗ dưới đáy thùng xốp thì nên lót một tấm màng vải để ngăn đất cát trôi ra ngoài
Bước 3: Chuẩn bị đất trồng
Rau muống là loài cây ưa nước nên cần chọn loại đất giữ nước tốt. Trộn hỗn hợp xơ dừa và đất dinh dưỡng theo tỉ lệ 1:1 để vừa trữ nước mà cung cấp đủ chất cho hạt giống phát triển. Sau khi cho đất vào gần sát mặt thùng xốp, dùng bình phun nước cho ẩm toàn bộ đất trồng.
Bước 4: Gieo hạt
Gieo hạt vào sâu dưới mặt đất từ 0.5 - 1cm rồi sau đó chụp bao ni-long lên trên (chỉ đục vài lỗ nhỏ để thoát khí). Phương pháp này sẽ tạo nên môi trường nhà kính giúp kích hạt nhanh phát triển khi độ ẩm, nhiệt độ luôn luôn ổn định.
Ngày hai lần, bạn tưới nước bằng bình phun sương cho đến khi cây ra được 2 lá thật mới đem chậu từ chỗ râm mát ra khu có nắng.
Ngày thứ ba kể từ khi gieo, mầm đã nhú lên rõ rệt khỏi mặt đất
Cây đã bắt đầu nhú 2 lá mầm vào ngày thứ 5. Lúc này có thể di chuyển chậu cây ra chỗ có ánh nắng
Bước 5: Bón phân
Đến khi cây rau muống ra 3-4 cặp lá thì có thể bón bổ sung một chút phân vô cơ có hàm lượng đạm cao giúp cây rau nhanh lớn và ra nhiều lá. Phân bón có nhiều lân lại giúp rễ phát triển khỏe để cây vững vàng.
Cứ mỗi 10 ngày, bạn lại pha 1 thìa cà phê phân NPK với 4 lít nước để tưới đều lên thân, lá, và gốc cây rau muống vào buổi chiều. Trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần, bạn ngừng tưới tất cả các loại phân bón để tránh tồn dư trong cây.
Sau khi gieo hạt từ 40-50 ngày là có thể thu hoạch đợt rau muống đầu tiên.
Ngày thứ 6, cây đã ra 3-4 cặp lá
Tốc độ phát triển của rau muống rõ rệt theo từng ngày
Rau muống trồng đất thì cành ngắn và nhỏ hơn. Những phiến lá rau muống cũng dài và nhỏ chứ không như rau muống nước bán ở ngoài chợ.
Trồng rau muống bằng cách giâm cành
Rau muống là một trong những loại cây ăn lá có thể trồng mới bằng cách giâm cành. Cây rau trồng bằng cách giâm cành đảm bảo được đặc tính của cây mẹ, tăng tỷ lệ phát triển thành công và thời gian thu hoạch ngắn hơn so với phương pháp gieo hạt.
Để chọn cành rau muống giâm làm giống, bạn nên chọn những cành bánh tẻ (không già, không non). Sau khi về nhà ngắt ngọn đầu non ở đầu để ăn như bình thường thì giữ lại toàn bộ phần cành gốc. Nhẹ nhàng trồng cành gốc vào trong đất.
Hàng ngày, bạn tưới nước ẩm cho chậu trồng. Bạn có thể tưới nước tiểu pha loãng, nước vo gạo,...để bổ sung dưỡng chất thúc cây nhanh ra rễ. Sau vài này, cây sẽ bắt đầu ra rễ, có mầm ngọn xanh mới.
Rễ rau muống phát triển từ cành giâm cũ
Bài bình luận gần đây