Mỗi lần về Huế tôi lại bị ám ảnh bởi hình ảnh những biền binh theo lệnh vua Minh Mạng lặn lội vào những cánh rừng thâm nghiêm, trên tay mỗi người cầm lá cây ngô đồng (do vua Trung Quốc tặng) làm mẫu, để tìm xem trong cương thổ nước mình có loài cây hiếm quý này không. Và câu trả lời là có. Vua tự hào tới mức cho khắc cây ngô đồng lên Dụ đỉnh của cửu đỉnh! Người Huế bây giờ cũng tự hào là chủ nhân giống cây quyến rũ tao nhân mặc khách khi tìm cách nhân giống được gần 200 cây ngô đồng…
Xanh là nền màu của cố đô Huế Ảnh: B.C |
Câu chuyện đưa tôi nhớ lòng vòng về tán cây bồ đề xanh um giữa sân chùa Từ Đàm, quà tặng của nhà sư Tích Lan Narada vào năm 1939. Cây này thuộc dòng họ của cây bồ đề vườn Lâm Tỳ Ni nước Ấn Độ từng che bóng cho thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền và thành Phật. Hay nhớ cố kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính, người đã đưa cây bao-báp về Huế sau một chuyến đi châu Phi, trồng trên đường Mai Thúc Loan, giờ nằm trong khuôn viên khách sạn Thành Nội. Cây bao-báp ấy giúp bao thế hệ đọc văn ở Huế thấy gần gũi hơn với hình ảnh lục địa đen hiện lên trong những trang tiểu thuyết Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Saint Exupéry. Hoặc lan man nhớ đến cố kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu, người đưa cây phượng tím từ Nam Mỹ về Đà Lạt. Để rồi bây giờ trên đường Nguyễn Trường Tộ, đường biên nối giữa hai ngôi trường nổi tiếng Quốc Học và Đồng Khánh, lũ con cháu của phượng tím Đà Lạt bắt đầu trổ hoa, góp thêm vệt tím mới cho thành phố có truyền thống yêu màu tím này.
Trở về Huế vào những ngày đầu đông, gió lạnh cùng với mưa phùn đã khiến cho con người ta thêm tê tái. Rời bỏ sự ấm cúng của căn phòng khách sạn, tôi rảo bước cùng người bạn dưới những hàng cây cổ thụ dọc theo hai bờ sông Hương. Vừa thả bộ, tôi vừa tìm cách giới thiệu cho bạn tôi về vẻ đẹp “chẳng nơi nào có được” của thành phố quê mình. Không biết tôi có lạc đề không khi mà phần lớn câu chuyện cứ xoay quanh màu xanh Huế. Cũng phải thôi bạn hỉ? Nếu không có tím Huế trên tà áo nữ sinh Đồng Khánh, không có xanh Huế trong không gian cây lá thì còn chi là Huế? Những “đường phượng bay mù không lối vào” hay “chợ Đông Ba khi mình qua lá me bay la đà” luôn là một hình ảnh gợi cảm, là một ký ức đẹp của Huế, về Huế.
Là một người con xứ Huế sống xa quê, mỗi lúc trở về tôi đều không khỏi ngỡ ngàng với những thay đổi của Huế. Niềm vui xen lẫn lo âu. Vui khi thấy đời sống kinh tế của quê mình đang ngày càng đi lên. Lo cũng chính từ đó. Đường sá mở rộng hơn, cao ốc mọc nhiều hơn, có cả khách sạn 15 tầng ngạo mạn đứng cách sông Hương chỉ hơn trăm mét... Hơn 15 năm qua Huế đã dần mất đi vẻ đẹp độc đáo của một cố đô cổ kính. “Bài thơ đô thị” bị tác động bởi quá trình đô thị hóa thiếu chiều sâu văn hóa, bởi quan niệm làm kinh tế “bằng mọi giá”. Không gian xanh của Huế cũng tổn thương không kém.
Cây xanh cho Huế không chỉ để mang lại bóng mát mà đó thật sự là một di sản, một nét văn hoá đẹp trong cuộc sống của con người đất thần kinh. Ngay từ buổi ban đầu khi chọn Huế làm kinh đô của xứ Đàng Trong, các cố nhân đã rất coi trọng đến việc tạo cho Huế một không gian xanh mang đậm chất trầm tư mặc tưởng cùng thiên nhiên. Và rõ là cây xanh đã được trồng theo quy hoạch. Mỗi con đường được chọn trồng một loại cây thích hộ, như con đường "Long Não" (Lê Lợi), đường "Phượng bay" (Đoàn Thị Điểm), hàng bồ đề ven sông Đông Ba... Đáng tiếc cái đẹp ấy đã không thể bền vững.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi trước mặt hiện ra một con đường với những cây bàng xơ xác, xen lẫn với những cây trứng cá quả chín rụng đầy đường. Bạn tôi hỏi đường “Bàng bay” hay “Trứng cá rụng” đây? Tôi không biết trả lời như thế nào. “Sao người ta lại trồng những loại cây không có “đẳng cấp” này ở Huế?”. Câu hỏi ấy đã đưa tôi tìm đến Công ty Công viên cây xanh của thành phố. Đấy là một ngôi nhà khá cũ kỹ, nằm ẩn mình trong một vườn cây và hoa xum xuê.
Tiếp chuyện với chúng tôi là vị trưởng phòng kế hoạch đã đứng tuổi nhưng dễ gần. Trước thắc mắc của tôi về việc có nhiều cây bàng và trứng cá được trồng tại một số con đường ở Huế, ông đã giải thích: “Hàng năm công ty đã tiến hành trồng khoảng 15.000 cây xanh trên toàn thành phố. Tuy nhiên, số lượng cây trồng ấy vẫn không đáp ứng được nhu cầu bóng mát cho thị dân. Chính vì vậy, đã có nhiều người tự tìm mua giống cây đẹp về trồng, nhưng đó chỉ là số ít. Số đông dân phố còn lại thường tự ý trồng cây bàng, cây trứng cá vì đây là những loại cây cho bóng mát nhanh...”. Vậy đấy, chỉ vì cái lợi ích riêng và nôn nóng của mình mà những người này đã và đang làm giảm mỹ quan của thành phố. Tôi tự hỏi họ có thật sự hiểu Huế để yêu Huế không?
Công bằng mà nói, những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực để tạo dựng lại hình ảnh một Huế xanh với những con đường cây xanh đặc trưng. Cây đoát cho đường Đống Đa, cây gội tía cho đường Phạm Hồng Thái, cây bằng lăng cho đường La Sơn Phu Tử... Vẫn không thiếu những ý tưởng lãng mạn muốn góp phần tô điểm cho Huế: sẽ có một con đường Quảng Đức với cây ngô đồng, đường Chi Lăng với cây viết...
Thế nhưng không phải mọi người dân Huế đều có ý thức gìn giữ Huế xanh. “Chúng tôi luôn phải đối đầu với nạn “ám sát” cây xanh đó!”, một cán bộ của Công ty Công viên cây xanh đã cho biết, “trồng một cây xanh thành công trên lề đường phố tốn nhiều tiền của, công sức và thời gian chờ đợi. Vậy mà nếu chủ nhà không thích, cây xanh trước nhà đó sẽ chết! Lý do “không thích” thường là do thói kiêng cử: vị trí trồng cây “phạm” luật phong thủy với ngôi nhà chẳng hạn. Và khi đã “không thích, người ta đã lặng lẽ “ám sát” cây xanh bằng nhiều cách rất xấu xa: cạo vỏ đổ axít, đổ dầu lửa vào gốc... Cũng có những cái chết hàng loạt của cây xanh do sự thiếu đồng bộ trong kế hoạch công tác giữa công ty cây xanh và các đơn vị thi công của ngành giao thông công chánh: cây trồng xong mới có kế hoạch mở đường, bó lại vỉa hè...Thế là đành phải đào bỏ.
Năm 1985 nhà văn Nguyễn Tuân đã không cầm được nước mắt khi từ Hà Nội ông hay tin bão đổ bộ vào Huế và tàn sát khoảng 3.000 cây cổ thụ. Bên cạnh việc bị phá hoại do con người, cây xanh của Huế còn phải gánh chịu cái khí hậu khắc nhiệt của vùng đất bị “trời hành cơn lụt mỗi năm” như thế. Chính vì lẽ đó, trồng cây xanh cho Huế, không chỉ chọn những loại cây đẹp, quý, có ý nghĩa mà còn phải phù hợp với vùng khí hậu.
<Theo Vnmedia>
Tags: hotel in district 1 hcmc in vietnam | best hotel in sai gon hcmc in vietnam
Bài bình luận gần đây