Môi cá với lớp sụn dày, trông như mõm lợn, là phần giá trị nhất. Nhiều người từng thưởng thức cá anh vũ nói rằng lấy khối sụn môi này chưng cách thủy với mật ong sẽ là một loại “siêu viagra”. Thực hư chưa rõ, nhưng nhiều đại gia đã săn lùng cho kỳ được loài cá quý để bổ sung vào bộ sưu tập những cá ngựa, nhung hươu, sừng tê, vi cá mập... vốn được xem là những thứ khiến “một người khỏe, hai người vui”.
Gần ba ngày lang thang ở TP Việt Trì (Phú Thọ), đến bao nhiêu quán cá bờ sông trứ danh vùng ngã ba Bạch Hạc này, chấp nhận trả giá cao nhất để được nhìn ngắm tận mắt một con cá anh vũ, nhưng chúng tôi vẫn không được chủ quán nào đáp ứng yêu cầu. Một “thổ địa” ở vùng ngã ba Bạch Hạc mách nước: muốn biết về cá anh vũ chỉ có thể tìm tới ông Phiến, quán cá Phiến Hoan.
Gần tuyệt diệt
Tên của quán là tên hai vợ chồng, một thương hiệu trứ danh ở vùng trung du Bắc bộ. Chỉ có điều ông Nguyễn Văn Phiến không chuyên tâm với cá nữa dù nó giúp ông khởi nghiệp thành công. Nay người ta gọi ông là Phiến đại gia cây cảnh.
Năm trước, ông đã đổi một cây cảnh vào tầm “bậc trung” của mình lấy một chiếc Lexus 570 trị giá 7 tỉ đồng. Khi chúng tôi ghé thăm dinh cơ của ông, chiếc Lexus 570 vẫn để trong gara nhà. Cả vườn cây cảnh của ông Phiến ở Vĩnh Phúc nếu quy ra xe Lexus 570 chắc phải... đổi được vài trăm chiếc nữa! Sau rất nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng gặp được ông Phiến. Dù bị “mê man” trước vườn cây cảnh rộng hàng mấy hecta ngay trung tâm TP Vĩnh Yên, chúng tôi cũng đành kéo ông trở lại với thời khởi nghiệp quán cá bờ sông.
Ba căn biệt thự liền kề dùng làm nhà hàng, bảo tàng sinh vật cảnh và nơi cư ngụ của gia đình ông. Tiếp chúng tôi trong căn phòng khách có khá nhiều đồ cổ quý hiếm, ông Phiến kéo cái điếu cày cũ kỹ, châm điếu thuốc lào rít sòng sọc, lim dim nhả khói rồi hỏi: “Mấy em hôm qua có ghé quán nhà anh trên Việt Trì rồi phải không? Có thấy mấy tấm hình anh bày ở nhà hàng không?”.
Tất nhiên là chúng tôi đã chụp được mấy tấm hình ấy, trong đó có hình ông Phiến ôm con cá anh vũ nặng chừng 3kg.
Các kỹ sư ở Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 chăm sóc cá trong hệ thống nuôi cho cá sinh sản - Ảnh tư liệu
Rải rác dọc các vùng sông Gâm, Na Hang... vẫn có cá anh vũ nhưng không ở đâu nhiều như vùng ngã ba Bạch Hạc ở Việt Trì. Vốn là loài cá sống ở đáy sâu với vùng nước sạch, vì thế khi mùa nước lũ làm đục ngầu các dòng sông thì loài cá này ngược dòng lên tận vùng Na Hang (Tuyên Quang), trốn vào các hang hốc của suối nước trong và sạch để bắt đầu mùa sinh sản. Qua mùa lũ, chúng lại tìm về vùng ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Lô, sông Đà vùng Bạch Hạc này.
Cũng do đặc điểm sống ở các hang hốc đáy sông mà cá anh vũ không thể câu được, muốn đánh bắt phải lặn xuống tận hang, quây lưới lại và dùng đụp (một dụng cụ đánh cá) để bắt. Cá bắt được phải thả vào bể nước sạch, nếu nước bẩn cá sẽ chết ngay sau đó. Vốn bám vào đáy, ăn rêu, tảo... nên cá anh vũ có cái môi rất lạ. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt cá anh vũ với các loài cá khác.
Môi cá với lớp sụn dày, trông như mõm lợn, là phần giá trị nhất. Nhiều người từng thưởng thức cá anh vũ nói rằng lấy khối sụn môi này chưng cách thủy với mật ong sẽ là một loại “siêu viagra”. Thực hư chưa rõ, nhưng nhiều đại gia đã săn lùng cho kỳ được loài cá quý để bổ sung vào bộ sưu tập những cá ngựa, nhung hươu, sừng tê, vi cá mập... vốn được xem là những thứ khiến “một người khỏe, hai người vui”.
Tuy nhiên theo ông Phiến, cái món thật sự ngon ở cá anh vũ phải là bộ lòng cá, ngon không gì sánh bằng. Còn phần thần dược có lẽ nằm ở túi mật. Ông Phiến có lần suýt mất mạng vì nuốt đến ba cái mật cá, bị ngộ độc may mà kịp cứu.
“Không chỉ ngon vì hiếm, cá anh vũ còn được săn lùng vì một lời đồn khác rằng ăn được cá anh vũ sẽ phát lộc phát tài”. Tất cả những yếu tố đó cộng lại, cuộc săn lùng ráo riết loài cá mang lại sức khỏe, sinh lực, tài lộc... đã khiến nó gần như tuyệt diệt. Ông Phiến bảo mấy năm nay ông chẳng còn mua được con cá nào ngoài con cá gần nhất từ năm 2008 được ông chụp ảnh treo ở nhà hàng trên Việt Trì.
Nhân giống thành công
Chúng tôi đã nghĩ câu chuyện cá anh vũ trở thành một huyền thoại nếu không tình cờ gặp được kỹ sư Nguyễn Mạnh Phúc của Chi cục Giống thủy sản tỉnh Phú Thọ. Biết chúng tôi đang lần theo vết dấu cá anh vũ, Phúc bảo: “Nhờ được chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, trung tâm bọn em đang nhân giống thành công loài cá này, hôm nào rảnh các anh ghé chỗ bọn em”.
Không thể chờ đợi lâu hơn, chúng tôi chạy thẳng về nơi Phúc đang làm việc. Trong lúc chờ ngớt cơn mưa để ra các hồ nhân giống cá, Phúc mở máy vi tính cho chúng tôi xem những thước phim về quá trình lùng kiếm các cặp cá bố mẹ và đưa về trung tâm nuôi dưỡng, cho sinh sản và ấp nở cá bột, nuôi lên cá hương rồi đưa ra môi trường thiên nhiên nhằm tái tạo nguồn cá quý hiếm này.
Khi vùng ngã ba sông Bạch Hạc, vương quốc của loài cá anh vũ, không còn tìm được một con cá nào, những kỹ sư của Chi cục Giống thủy sản Phú Thọ đã cơm đùm gạo bới lang thang lên tận Na Hang, nơi cá anh vũ ẩn nấp với hi vọng tìm được vài đôi cá giống. Vùng khe suối ở Na Hang được dân địa phương coi là bãi đẻ của cá anh vũ. Tuy nhiên với công trình thủy điện Na Hang chắn ngang sông Gâm, bãi đẻ của cá anh vũ đã nằm về phía hạ lưu của con đập, hệ sinh thái thay đổi nên nguy cơ đe dọa tập tính sinh sản của cá ngày càng cao.
Kỹ sư Phúc cho biết đã có hàng chục lần đi về từ Việt Trì lên Na Hang, trường kỳ “mai phục” các ngư dân chuyên đánh bắt ở vùng này, xây dựng các lồng nuôi tại chỗ, mua được con nào thì chăm bẵm ngay trong môi trường tự nhiên tại đó. Tuy nhiên, do số lượng cá ngày càng khan hiếm nên mua được cá anh vũ bố mẹ là điều cực kỳ khó khăn.
Phần lớn cá mua từ đánh bắt nên thường bị trầy xước da, quá trình thuần hóa trong điều kiện nuôi nhân tạo cũng khiến nhiều con bị chết. Việc đưa được những con cá giống từ Na Hang về chi cục ở Việt Trì để nhân nuôi cũng không dễ dàng gì bởi cá có thể chết trong quá trình vận chuyển.
Tuy nhiên sau bao nhiêu gian nan, cuối cùng nhóm nghiên cứu của Phúc cũng mua được một đàn cá anh vũ bột về chi cục để làm giống. “Cưng hơn cưng trứng, hứng hơn hứng hoa”, thật khó để kể hết những công lao nhọc nhằn sau bốn năm trời ròng rã theo đuổi cuộc hồi sinh của cá anh vũ. Kể từ khi bắt đầu nuôi vào tháng 7-2007, những trận rét mùa đông năm 2008 khiến cá chết hàng loạt, cuối cùng 60 con cá giống đầu tiên được “làm bố làm mẹ” vào năm 2011.
Ấp trứng thụ tinh nhân tạo cho cá anh vũ - Ảnh: Ngọc Quang
Phúc kể khi cá chuẩn bị đẻ lứa đầu, hàng tuần liền anh em nằm ở khu nuôi ấp, có khi thức trắng đêm, “ăn cùng cá, ngủ cùng cá”. Khi những con cá mẹ bụng căng trứng chuẩn bị đẻ, trứng được vuốt ra bát và được thụ tinh nhân tạo theo ba phương pháp: thụ tinh khô, ướt và bán ướt, rồi tiến hành ấp trứng, theo dõi quá trình phát triển của phôi, từ phôi nở ra cá bột rồi từ cá bột lên cá hương...
Và những con cá đầu tiên được nhân giống ấy đã được các cán bộ của chi cục mang đi thả vào môi trường tự nhiên để gầy dựng lại nguồn gen quý hiếm. Hơn 1.000 con cá anh vũ đầu tiên nhân giống thành công đã được mang thả xuống đầm Ao Trâu (Hạ Hòa), hồ Ly (Yên Lập), hồ Xuân Sơn (Tân Sơn)...
Những con cá anh vũ quý hiếm được hồi sinh mở ra niềm hi vọng mới về những nguồn gen cá quý ngỡ đã “một đi không trở lại”. Niềm vui ấy lớn gấp vạn lần cái sự sung sướng của những đại gia sẵn sàng bỏ bạc triệu để được ăn một con cá được cho là chỉ có vua mới được ăn.
Cá anh vũ Semilebeo obscurus và Semilebeo notabilis là loài cá quý hiếm trên hệ thống sông Hồng. Thịt cá anh vũ mềm, ít xương dăm, thơm ngon, được coi là loài cá đặc sản nước ngọt miền Bắc. Giá cá bán tại Tuyên Quang và Việt Trì khoảng 800.000 đồng/kg và ở thị trường Hà Nội dao động khoảng 1.000.000 đồng/kg. Từ năm 1992, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường đã ghi nhận cá anh vũ trong sách đỏ Việt Nam phần động vật là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ.
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Bài bình luận gần đây