Ca cao – “mật ngọt của đất”
Ca cao là một cây trồng chiếm diện tích còn khiêm tốn ở Việt Nam, tuy nhiên loại cây này vẫn có nhiều cơ hội phát triển và tham gia thị trường ca cao thế giới.
Cây ca cao lần đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam từ khoảng giữa thế kỷ XX. Hiện nay, cây ca cao đã được đón nhận ở nhiều địa phương thuộc miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Bến Tre và Đắk Lắk là hai thủ phủ trồng ca cao lớn nhất trên cả nước.
Có tên khoa học Theobroma, thuộc họ Sterculiaceae, ca cao là cây xanh quanh năm, thân gỗ nhỏ, nhánh không lông, cao 4 - 8m, sống trong điều kiện tự nhiên có thể cao 10 - 20m.
Quả ca cao khi chưa chín có thể có màu xanh, đỏ tím hoặc xanh điểm sắc đỏ tím... Khi quả đạt độ chín, màu xanh chuyển sang màu vàng, màu đỏ tím thường chuyển qua màu da cam. Quả dài 10 - 20cm, nạc trắng; hạt to, mọc dọc theo thân cây.
Nguồn gốc của cây ca cao từ Trung Mỹ và Mexico, được phát hiện cách đây khoảng 3.000 năm. Trong tiếng Hy Lạp, ca cao có nghĩa là “thức ăn của các vị thần”, vì được cho là có khả năng kéo dài tuổi thọ và mang đến “sức mạnh siêu việt”.
Cây nho thân gỗ
Quả to bóng, đen láy, thơm ngọt mọc chi chít dọc thân cây với hình dáng kỳ lạ, bắt mắt đầy ấn tượng khiến cây nho thân gỗ đang trở thành đối tượng được săn tìm của những người yêu cây trái.
Nho thân gỗ (Jabuticaba) là một loại cây thuộc họ nho nhưng khác với những loài nho thân leo thường thấy, loài nho này có quả không mọc trên cây thân leo, trên giàn mà mọc trực tiếp trên thân cây và cành cây.
Ban đầu những quả nho thân gỗ có màu xanh rồi màu hồng và khi chín thì chuyển sang màu tím mọng nước và có thể ăn trực tiếp ngay sau khi hái.
Thời gian trở lại đây, nho thân gỗ được xem là một trong những loại cây gây “sốt” trên thị trường. Ở Việt Nam, mốt trồng cây nho thân gỗ khởi nguồn từ Đà Lạt. Tại đây, một số nhà vườn đã trồng và gây giống thành công loại cây này. Do thời gian trồng còn chưa lâu nên những cây nho thân gỗ ở Việt Nam chưa được sum suê như những cây nho thân gỗ trên thế giới. (Ảnh: Scribbler)
Cây vả
Cây vả thuộc họ nhà sung hay còn gọi là cây sung Mỹ, sung tai voi, sung lá rộng, có tên khoa học Ficus auriculata, là một loài cây thuộc chi Ficus, họ dâu tằm(Moraceae), nó có quả giống như sung nhưng lớn hơn và có lá to hơn.
Cây vả dễ trồng, ít cần chăm bón. Loại cây này có chiều cao vừa phải nhưng gốc rất lớn, cành tỏa rộng che bóng mát cả một khoảng vườn. Lá vả to như lá sen, tán rộng. Trái vả mọc theo thân, cành cây, mọc thành từng chùm, mỗi chùm có hơn cả chục trái xanh tươi, mỗi trái lớn bằng nắm tay, trái vả tròn dẹt, vỏ màu xanh lục có lông tơ mịn màng.
Cây vả thuộc cây gỗ vừa có thân và cành to, phiến lá to, cây thường xanh nhưng trồng xứ lạnh bị rụng lá vào mùa Đông.
Quả vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá. Khi non quả có vỏ màu xanh lục, có lông mịn, khi chín có màu đỏ thắm. Cây vả mọc nhanh, tái sinh chồi mạnh.
Vỏ xanh - thịt trắng - lòng hồng, đó là một trái vả lý tưởng cho vị ngòn ngọt, giòn giòn lẫn chút chát chát ở đầu lưỡi. Trái vả đã quá lứa hoặc bị héo thì vỏ sẽ thâm xỉn màu, ruột hết hồng mà chuyển sang màu nâu, vẫn ăn được tuy không còn độ ngọt và kém ngon.
Vả là món ăn dân dã của người dân Huế và là món ngon không thể thiếu đối với du khách khi đến Huế. Món ngon này để lại trong lòng người Huế xa quê nỗi nhớ quê nhà.
Bài bình luận gần đây