1. Bộ chiến phục đáng sợ nhất mọi thời đại của người Celt
Người Celt hay Xen-tơ là nhóm các bộ lạc đa sắc tộc thời kỳ đồ sắt và La Mã ở châu Âu với ngôn ngữ riêng biệt. Người Celt cũng có thời kỳ thịnh vượng của mình. Nhưng điều làm nên sự khác biệt cho họ là bởi phong cách chiến đấu cùng bộ chiến phục vô cùng ghê rợn. Đó là... "nude toàn tập".
Đây có thể coi là một chiến thuật rất thông minh. Địch thủ của họ hiếm người có thể nhìn thẳng vào một cơ thể khỏa thân, và thường chịu chết oan dưới lưỡi kiếm không khoan nhượng của người Celt.
Nguyên nhân khiến người Celt làm vậy là vì họ tin rằng, chỉ những người chiến đấu dũng cảm nhất mới được thần linh che chở. Và cách duy nhất để thể hiện điều đó là… tồng ngồng ra chiến trường. Ngoài ra, họ cũng cho rằng, đây là phương pháp tránh nhiễm trùng vì để quần áo bẩn (những chiến binh ra trận rất ít khi được giặt quần áo) tiếp xúc với vết thương đang có.
2. Bộ giáp “cánh thiên thần” của kỵ binh Ba Lan
Những Husaria (khinh kỵ binh - kỵ binh hạng nhẹ) của Ba Lan được coi là lực lượng kỵ binh thiện chiến và tàn bạo bậc nhất thế giới vào thế kỷ XVI và XVII. Trong khoảng thời gian này, các Husaria Ba Lan đã tàn phá gần như toàn bộ chiến trường châu Âu và được mệnh danh là “đội kỵ binh có cánh”.
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì chiến phục khi ra trận của họ có một đôi cánh khổng lồ sau lưng. Đôi cánh làm từ những đoạn thép uốn cong, có gắn lông chim hoặc lông ngỗng.
Giống như biểu tượng của chiến thắng, độ tỉ mỉ của trang phục tỉ lệ thuận với tỉ lệ chiến thắng. Ban đầu, đôi cánh chỉ là hình vẽ trên những tấm khiên, nhưng rồi họ quyết định tạo nên đôi cánh đằng sau lưng bằng việc gắn lông ngỗng, lông đại bàng, thiên nga… lên một khung gỗ, rồi dần cải tiến thành bộ giáp hoàn chỉnh.
Việc đeo trên mình đôi cánh khổng lồ trên chiến trường không phải một lựa chọn khôn ngoan, nhưng kỵ binh Ba Lan dường như thách thức mọi logic khi trở thành một đội quân bất khả bại. Đây được coi là nỗi kinh hoàng cho mọi địch thủ, trong đó có Thụy Điển, Cozak và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà sử học đưa ra khá nhiều giả thuyết về vấn đề này. Một số người cho rằng, đôi cánh làm bằng lông vũ và thép sẽ tạo nên những âm thanh chói tai, đặc biệt khi phi nước đại. Điều này sẽ tác động đến tâm lý, gây hoang mang cho kẻ địch.
Nhưng dù sao, điều khiến các Husaria Ba Lan trở nên đáng sợ không phải nhờ đôi cánh, mà do những chiến thuật hợp lý cùng tài khiển quân siêu việt.
3. Bộ chiến phục động vật của người Aztec
Aztec là một nền văn minh, một đế chế trong khu vực Mexico. Có lẽ nguyên nhân khiến người Aztec xây dựng được cả một đế chế là nhờ vào bản chất hiếu chiến.
Người Aztecs xây dựng một xã hội có tính ganh đua giữa các chiến binh. Mọi nam nhân Aztec đều được huấn luyện để chiến đấu.
Khi trở thành chiến binh, mỗi người được phát một bộ trang phục. Nhóm thiện chiến nhất được thăng chức thành nhóm ưu tú, với bộ trang phục ngày càng màu mè, rườm rà hơn. Bộ trang phục này được phỏng theo hình dáng, màu sắc của động vật: đại bàng và báo đốm.
Những chiến binh “đại bàng” có bộ giáp mô phỏng hình dáng đại bàng, phủ lông vũ, cùng một chiếc mũ hình mỏ đại bàng. Tương tự với chiến binh “báo đốm”, được khoác trên mình bộ da báo “hàng xịn”.
Để được gia nhập 2 nhóm này, một chiến binh phải tham dự trận chiến 1 chọi 4 với các chiến binh đã có tên tuổi và buộc phải “bắt sống” được họ. Những chiến binh ưu tú nhất của 2 nhóm “đại bàng” và “báo đốm” sẽ được thăng cấp vào nhóm danh tiếng có tên là Cuachicqueh.
Một tầng lớp có địa vị tối cao trong xã hội chiến binh như Aztec tất nhiên sẽ khác biệt. Mỗi chiến binh đều phải thề không bao giờ được lùi bước, dù phải đối diện với cái chết.
Còn về trang phục, điều khác biệt duy nhất là họ phủ 3 màu xanh dương, đỏ, vàng lên mặt, cạo trọc đầu chừa ra một bím tóc bên tai trái. Nghe thì không thực sự “ngầu”, nhưng kết hợp với những chiến phục trên, rất ít kẻ thù của người Aztec trên chiến trường có thể đứng vững.
4. Mũ trụ có sừng của Samurai
Bộ giáp của Honda Heihachiro Tadakatsu - Samurai huyền thoại của Nhật Bản được người đời xưng tụng là “chiến binh vượt trên cái chết”. Ông đã chứng minh mình hoàn toàn xứng đáng với tên gọi đó.
Trải qua hàng trăm trận chiến, Samurai huyền thoại này chưa từng bị một vết thương đáng kể nào. Ông luôn cùng các bề tôi của mình tham gia đánh trận và luôn mặc một bộ giáp nổi bật.
Việc ăn vận nổi bật trên chiến trường không khác nào một hành vi tự sát, nhưng Honda đã làm vậy. Trên mũ trụ của ông có đôi gạc hươu khá lớn, gần như ngay lập tức thu hút sự chú ý của kẻ địch vào mình.
Samurai không phải là những chiến binh hèn nhát. Họ gần như không bao giờ bỏ chạy khi gặp nguy hiểm. Ngay cả khi nhận ra mũ trụ đặc trưng của Honda cũng vậy, tất cả đều có chung mong muốn và mục đích là trở thành kẻ đầu tiên có thể tiêu diệt vị Samurai huyền thoại.
Không phải ngẫu nhiên Honda chọn gạc hươu làm biểu tượng. Truyền thuyết kể rằng, ông đeo gạc hươu là vì đã từng được hươu cứu sống, bằng cách chỉ cho con đường an toàn để trốn thoát sau khi bị kẻ địch phục kích. Sau này, Honda trở thành một Daimyo (lãnh chúa) và mất vào tháng 12/1610.
5. Bộ trang phục diêm dúa của lính Landsknecht
Landsknecht là một nhóm lính đánh thuê người Đức trong giai đoạn cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI. Họ thường đội mũ rộng vành, có đính lông chim. Lính Landsknecht không có đồng phục, chỉ cần mỗi thành viên ăn bận trang phục sặc sỡ là đủ.
Bởi là lính đánh thuê nên ngoài tiền công, họ cứ việc lấy những gì họ thích sau trận đánh. Thông thường đó là quần áo, phụ kiện của những kẻ địch đã ngã xuống. Khi tìm được thứ gì hay ho, họ lại đính nó vào bộ trang phục đang mặc, khiến nó ngày càng trở nên diêm dúa và rườm rà.
Ngoài ra, phong cách thời trang của họ khá độc đáo và hơi… kì quặc. Hầu hết mọi người đều rạch quần, áo, và… kéo phần vải lót và cả đồ lót ra ngoài thông qua vết cắt.
Không rõ có phải do việc ăn bận có phần "lố" nên đã khiến đối thủ chủ quan khinh địch và… bận cười hay không, nhưng trên hết, lịch sử vẫn ghi nhận lính Landsknecht là một đội quân thiện chiến trong suốt thế kỷ XV.
Bài bình luận gần đây