Trong cái hào sảng của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, có cái tinh tuý của những tâm hồn thi nhân nhạy cảm, có sự giao hòa không ranh giới của các sĩ phu khắp các vùng miền trên đất nước.
Và để đến ngày nay, thế hệ trẻ Hà Thành chúng ta được biết đến những giai thoại bất hủ về các danh nhân một thời của Hà Nội dấu yêu: Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường. Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán là sự ca ngợi của vua Tự Đức đã tổng kết về tình hình văn chương thời kì thế kỷ 19, dành cho Phương Đình Nguyễn Văn Siêu và Chu Thần Cao Bá Quát, những người con kiệt xuất của Hà Nội thế kỷ 19. Văn chương của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát át được cái hay của văn chương thời Tiền Hán (Trung Quốc).
Còn câu Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường là ý nói thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương hay đến nỗi làm mờ cả các nhà thơ thời Thịnh Đường của Trung Quốc.
Trong cả bốn người nổi danh một thời, có sự kính trọng đáng quí, có tình bằng hữu tri kỉ và để đến bây giờ, chúng ta được biết đến một sự giao hòa của những tâm hồn nhạy cảm, Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương. Cao Bá Quát sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Phú Thị, xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1832, ông thi hương đỗ Á Nguyên, nhưng thi hội mãi vẫn không đỗ. Không đỗ, không phải vì ông kém tài mà là vì bị quan trường đánh hỏng. Năm 1841, ông được bổ giữ chức Hành tẩu Bộ Lễ. Tháng 8 năm 1841, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số bài thi hay nhưng phạm húy, ông cùng bạn chữa giúp. Việc bị phát giác, tội ông đáng chém nhưng sau được xét lại, chỉ cách chức và tù 3 năm. Năm 1847, ông được mời làm ở Viện hàn lâm, sưu tầm văn thơ. Cảm kích trước thái độ ân cần giúp đỡ của hai vị hoàng thân là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương, ông gia nhập Mạc Vân thi xã (do hai hoàng thân sáng lập). Do tính khinh miệt triều đình và vua quan, Cao Bá Quát bị đầy về làm giáo học ở quê Quốc Oai rồi làm quân sư cho Lê Duy Cự, dòng dõi nhà Lê, nổi lên chống triều Nguyễn năm 1854. Lúc đầu quân khởi nghĩa giành được một số thắng lợi ở Sơn Tây, Nam Định, nhưng rồi bị quân triều đình đánh tan. Theo Thư mục chính biên thì ông bị bắn chết trong một trận đánh, nhưng có tài liệu cho rằng ông bị bắt giải về triều và bị chém đầu. Vua Tự Đức ra lệnh tru di tam tộc dòng họ Cao.
Một con người ngay thẳng chính trực và tài hoa nhưng bạc mệnh. Một con người "nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Cả cuộc đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai) đã để lại những vần thơ đẹp đẽ, mượt mà về Hà Nội yêu dấu. Là người con của Hà Nội, nhưng đi làm quan tỉnh xa, khi trở lại Thăng Long, ông không khỏi cảm động trước cảnh đẹp của Hồ Tây thơ mộng.
Bậc nhất phồn hoa kinh khuyết cũ Cao sâu Nùng Nhị vẫn sơn hà
Thành trì trơ mấy hồi kim cổ Phường phố thay bao lớp trẻ già
Tết lạnh cửa hầu đèn lạt khói
Gió thơm quán rượu liễu tươi hoa
Hồ Tây khôn nỡ thuyền trăng dạo
Sáo gợi hồn quê rộn bóng tà.
(Cảm xúc khi lên thành Thăng Long ngắm cảnh)
Hay những vần thơ điệu đà về Tây Hồ duyên dáng:
Nhịp chày, tiếng đập rộn ràng xuân
Hốc nọ, gò kia cảnh chứa chan
Năm tháng khôn buồn do đất sắp
Giang hồ có phúc được trời ban.
Nghiêng ngả lòng xuân lả lớn chi
Tây Hồ cũng thể một Tây Thi
Sóng êm mày lượn cùng chung vẻ Cỏ lướt tà bay có khác gì.
Trong thơ của Cao Bá Quát, Hồ Tây chẳng khác gì một mỹ nhân đầy sức quyến rũ, yểu điệu thục nữ làm say đắm lòng người. Có lẽ nhờ có cảnh đẹp mà con người ta gần nhau hơn, hiền hoà và đầy nhân ái. Người ta tạm quên đi những rối ren của chính sự, sự đố kị của quan trường và những lo toan bề bộn của cuộc sống. Và như một sợi dây vô hình, thơ văn đã kết dính những tâm hồn nhạy cảm, thanh tao lại với nhau và từ đó tạo ra những huyền thoại để đời. Cao Bá Quát chơi thân với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Tình cảm giữa họ là sự cảm hoài trước cảnh đất nước bị xâm lăng, trước cảnh nhân dân gặp khốn khó.
Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819- 1870) là con trai thứ 10 của vua Minh Mạng. Ông được người đời sau ca ngợi là một chính nhân quân tử truyền thống, một trí thức ưu thời mẫn thế và đặc biệt nặng tình với dân nghèo. Những điều đó một phần thể hiện qua tài văn thơ của ông, được so sánh với cả thời Thịnh Đường (Trung Quốc).
Hai người tuy sống xa cách nhau, nhưng ở họ vẫn chứa chan tình cảm giành cho nhau. Cao Bá Quát từng viết lời bạt cho thơ Miên Thẩm rằng:
"Trông về phía Nam, thấy phía Nam cửa khuyết có ánh sáng rừng rực bốc lên tận nửa tầng không khỏi vùng mây trắng, ngất đỉnh trời xanh, xa nhìn không chán, đó không phải núi Thường Sơn (tên hiệu của Miên Thẩm) ư? Mua rượu ở nơi Trương Đình, cởi áo bồi hồi ngâm vịnh các bài Hà thượng của Quốc công, lòng khách cũng cảm thấy xa xăm vời vợi...".
Tùng Thiện Vương tuy không sinh ra và lớn lên ở Thăng Long nhưng những vần thơ của ông viết về Thăng Long đã thể hiện lòng yêu mến và sự hiểu biết sâu sắc về Hà Nội.
Nhất Trụ tự
Liên hoa xuất hàn thuỷ
Pháp toạ vô trần ai
Dạ thâm tinh đẩu tĩnh
Phần âm không tế lai.
Dịch nghĩa:
Chùa Một Cột
Hoa sen mọc nước lạnh
Chùa điện không bụi rơi
Đêm sâu chòm sao lặng
Lời thiền nghe ngang trời.
Hay ở bài Long Thành trúc chi từ, đã thể hiện sự quan sát đến mức tinh tế trước cảnh hiền hòa, yên ả của Tây Hồ:
Phố phường xuân rạng trăm hoa tươi
Xe ngựa ngày đêm tấp nập hoài
Riêng có Hồ Tây chùa cạnh bến
Trời xanh như nước ánh trăng lơi.
Man mác Hồ Tây khói sóng nhoà
Giữa vùng sen nở tiếng ai ca
Gỏi mè ngon bữa cô hầu nhỏ
Ngà rượu kêu chồng hái giúp hoa.
Rất tự nhiên, rất bình dị mà rất đỗi thân thương. Đất Thăng Long ngàn năm văn hiến vẫn mang trong mình dòng chảy từ ngàn xưa dội về trong đó có dấu ấn của những con người yêu Hà Nội, yêu nước như thế.
Theo: Tạp chí truyền hình
Bài bình luận gần đây